ĐIỀU TRỊ DI CHỨNG TAI BIẾN MẠCH MÁU NÃO
1. Những điều cần biết
Tai biến mạch máu não hay đột quỵ não là một hội chứng lâm sàng, đặc trưng bởi hiện tượng mất chức năng não cục bộ cấp tính và kéo dài trên 24 giờ, có thể gây tử vong và nguyên nhân do mạch máu não.
Tai biến mạch máu não (TBMMN) là bệnh của hệ thần kinh phổ biến nhất hiện nay, thường gặp ở người có tuổi. Bệnh gây tử vong hàng thứ ba sau ung thư và tim mạch, để lại những di chứng rất nặng nề gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Một số di chứng thường gặp sau khi bị đột quỵ bao gồm:
- Liệt một chi, liệt nửa người hoặc liệt tứ chi;
- Khả năng vận động yếu, khó cử động tay chân;
- Mất ngôn ngữ, nói ngọng, gặp khó khăn trong giao tiếp; Ăn sặc, nuốt nghẹn;
- Gặp các vấn đề thị giác;
- Các vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn cảm xúc,…
2. Cần phục hồi ngay sau khi đột quỵ
Nguyên tắc phục hồi sau đột quỵ: Tất cả người bệnh bị đột quỵ nên bắt đầu điều trị phục hồi chức năng càng sớm càng tốt, ngay sau khi đạt được sinh hiệu ổn định, khuyến cáo nên sau 24 giờ, thậm chí ngay khi còn nằm trên giường bệnh.
Nghiên cứu lâm sàng chỉ ra rằng khởi đầu sớm, cường độ trị liệu phù hợp với đa phương thức sẽ quyết định đến hiệu quả. Trên cơ sở sinh lý bệnh, 3 tuần đầu sau đột quỵ được coi là giai đoạn đặc biệt quan trọng giúp phục hồi não, kích hoạt từ ngày thứ 5 sau khi thiếu máu cục bộ sẽ đem lại kết quả vượt trội.
Hiện nay, bệnh viện Y dược cổ truyền Tuyên Quang là một trong những bệnh viện trên địa bàn tỉnh có khả năng phục hồi cao nhất cho những bệnh nhân sau tai biến mạch máu não.
Ảnh: Điện châm bệnh nhân Tai biến mạch máu não
3. Phương pháp điều trị
Điều trị bằng Y học hiện đại
Để điều trị và dự phòng các cơn tai biến mạch máu não, ngoài việc điều trị nguyên nhân(Tăng huyết áp, các bệnh lý tim mạch, rối loạn lipid máu, đái tháo đường...). Các thuốc thường được dùng phải nhằm với các mục tiêu sau:
1.1. Khôi phục tuần hoàn của vùng não bị tổn thương:
- Cải thiện lưu huyết não: kiểm tra độ nhớt của máu qua hematocrit, nếu có tăng thì phải truyền dung dịch làm loãng máu ( hemodilution), chống phù não.
- Cải thiện việc cung cấp máu cho vùng thiếu máu bằng:
+ Các thuốc giãn mạch ( nimodipin, Flunarizin...).
+ Các thuốc làm tiêu fibrin.
+ Các thuốc chống đông máu.
1.2. Khôi phục, bảo vệ chức năng tế bào thần kinh và dự phòng các cơn tái phát:
+ Thuốc chống kết dính tiểu cầu ( Asipin, Ticlopidin, Clopidogrel...).
+ Thuốc bảo vệ tế bào thần kinh: làm vững bền màng tế bào thần kinh, chống gốc tự do( citicolin, Lubeluzol, Cerebrolysin...).
+ Phục hồi và tái tạo vùng não tổn thương: thuốc (Vinpocetin, Piracetam, Cao Ginkgo biloba...) và vật lý trị liệu- phục hồi chức năng.
Hiện nay nhiều nghiên cứu điều trị lâm sàng cho thấy kết quả điều trị chịu ảnh hưởng rất lớn của cách chọn thuốc, thời gian dùng thuốc, thời điểm dùng thuốc, phương thức phối hợp thuốc.
- Điều trị bằng Y học cổ truyền
Sau giai đoạn cấp của “ trúng phong” người bệnh chuyển sang giai đoạn “hậu trúng phong” với bốn hội chứng bệnh thường gặp, đây cũng có thể là những rối loạn gây bệnh trước đó và có thể vẫn còn tồn tại. Di chứng TBMMN được miêu tả trong phạm vi các chứng Bán thât bất toại, Chứng nuy, Chứng kính, Ma mộc,…
Với 4 hội chứng : Can thận âm hư, Thận âm dương hư, Đàm thấp, Khí hư huyết ứ, tương ứng với pháp, phương thuốc điều trị riêng biệt.
Thuốc thang y học cổ truyền:
Bệnh nhân được điều trị bằng những bài thuốc cổ phương đã được chứng minh hiệu quả điều trị trên lâm sàng có tác dụng hành khí hoạt huyết, tư bổ can thận thông kinh lạc, tăng tuần hoàn, tăng cường miễn dịch, hạ huyết áp, an thần, giảm căng thẳng, giảm mệt mỏi, giảm co cứng, bài thuốc gia giảm thêm các vị thuốc cho phù hợp với các đặc điểm riêng của từng người bệnh.
Một số bài thuốc cổ phương được ứng dụng trên lâm sàng: Lục vị kỷ cúc, Đại bổ âm hoàn, Thận khí hoàn, Bổ dương hoàn ngũ thang, Bạch truật bán hạ thiên ma thang, …
Châm cứu đối với phục hồi sau đột quỵ :
Châm cứu đã thể hiện được những ưu điểm vượt trội nhờ vào việc kích thích lên huyệt đạo, các dây thần kinh vận động và cảm giác góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi diễn ra nhanh hơn, có hiệu quả cao trong điều trị các di chứng của TBMMN.
Chọn phối hợp giữa các huyệt tại chỗ và các huyệt ở xa theo đường tuần hành kinh mạch. Tùy theo thời gian diễn biến của bệnh và thể trạng của bệnh nhân mà cường độ và phương pháp kích thích sẽ khác nhau.
Thực hiện châm cứu lựa chọn các công thức huyệt:
- Huyệt ở tay bên liệt: Kiên tỉnh, Kiên ngung, Tý nhu, Khúc trì, Thủ tam lý, Hợp cốc, Nội quan, Bát tà.
- Huyệt ở chân bên liệt: Hoàn khiêu, Phong thị, Dương lăng tuyền, Âm lăng tuyền, Túc tam lý, Huyết hải, Phong long, Giải khê, Tam âm giao, Thái xung, Hành gian, Bát phong.
- Huyệt ở mặt: Nghênh hương, Giáp xa, Bách hội, Hạ quan, Địa thương.
- Nói khó: Liêm tuyền, Ngoại Kim tâ ngọc dịch, Á môn.
Các phương pháp châm cứu hiện nay :
* Thể châm cải tiến | * Điện châm | * Nhĩ châm | * Đầu châm |
* Điện mãng châm | * Hào châm | * Laser châm | * Cấy chỉ |
Thủy châm : Thường dùng một số huyệt như Giáp tích tương ứng với chi liệt, Kiên ngung, Thủ tam lý, Phong thị, Túc tam lý, Thừa sơn, Dương lăng tuyền, Giải khê. Để thủy châm vào các huyệt, sử dụng một số vitamin như: B1, B6, B12; các thuốc tăng cường tuần hoàn não, tăng cường dinh dưỡng thần kinh (cerebrolysin, citicoline, gliatilin...) để hỗ trợ điều trị.
Xoa bóp bấm huyệt và tập luyện:
Đây là biện pháp không thể thiếu khi điều trị di chứng TBMMN. Người bệnh cần được xoa bóp vùng đầu mặt, lưng và tay chân, trọng tâm là bên bị liệt.
Tập luyện đều đặn, thường xuyên có vai trò rất quan trọng trong phục hồi chức năng vận động của người bệnh. Tiến hành cho bệnh nhân tập sớm từ thụ động đến chủ động tùy theo tình trạng của mỗi người bệnh ra dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ của thầy thuốc. Ngoài ra bệnh nhân và người nhà bệnh nhân còn được hướng dẫn tự xoa bóp giúp khí huyết lưu thông. Hiện tại bệnh viện áp dụng hiệu quả, rất tốt đối với người bệnh di chứng TBMMN.
Các kỹ thuật Y học cổ truyền khác có thể áp dụng: Cứu, tập dưỡng sinh, thực dưỡng, ngâm thuốc y học cổ truyền,…
- Vật lý trị liệu- Phục hồi chức năng
Phương pháp vật lý trị liệu – phục hồi chức năng được coi là một yếu tố quan trọng trong điều trị ngay từ giai đoạn sớm. Hầu hết bệnh nhân phục hồi khá tốt trong 3 tháng đầu, phục hồi chậm hơn ở 3 tháng tiếp theo, ngoài 6 tháng thì phục hồi rất chậm. Do đó, phục hồi chức năng sau tai biến đòi hỏi người bệnh phải hết sức kiên trì tập luyện và tuân thủ theo liệu trình hỗ trợ điều trị của cơ sở y tế. Người nhà nên động viên tư tưởng và chăm sóc kỹ cho bệnh nhân trong quá trình hỗ trợ điều trị.
- Chế độ dinh dưỡng – phòng bệnh
- Các thức ăn nên dùng như:
+ Các rau củ quả có tác dụng chống oxy hóa, giúp bệnh nhân nhanh hồi phục: các quả và rau có màu đậm như quả việt quất, nho, đu đủ, rau cải, rau ngót, bí đỏ,...
+ Ăn chất đạm có nguồn gốc từ thực vật, hạn chế chất đạm có nguồn gốc từ động vật: vừng, lạc, ...
+ Hạn chế ăn mặn, ăn ngọt, thực phẩm có chứa nhiều cholesterol, cay nóng và rượu bia, thuốc lá, các chất kích thích.
- Tránh làm việc gắng sức, chế độ sinh hoạt và làm việc khoa học kết hợp vận động và nghỉ ngơi; hạn chế tình dục quá độ; tập luyện thư giãn loại trừ các căng thẳng(stress).
- Kiểm soát các yếu tố nguy cơ và các bệnh lý kèm theo của người bệnh.
4. Nơi Người bệnh gửi trọn niềm tin
Hiện nay, Bệnh viện Y dược cổ truyền Tuyên Quang đã được đầu tư các trang thiết bị máy móc hiện đại, cơ sở hạ tầng khang trang, cùng với đội ngũ y bác sỹ có trình độ chuyên môn cao, các bác sỹ luôn được cập nhật và áp dụng các phác đồ điều trị, kỹ thuật phục hồi, phương pháp điều trị mới..., đã góp phần nâng cao hiệu quả điều trị, rút ngắn thời gian phục hồi các di chứng, giúp bệnh nhân cải thiện chất lượng cuộc sống, nhanh chóng tái nhập cộng đồng.
Bệnh viện đã và đang triển khai nhiều kỹ thuật cao bằng vật lý trị liệu phục hồi chức năng điều trị bệnh như điều trị bằng máy Laser công suất thấp nội mạch, điều trị bằng Hệ thống buồng oxy cao áp, điều trị bằng các dòng điện xung, các máy tập đa năng, máy xoa bóp áp lực hơi, tia hồng ngoại, ... Đây là mũi nhọn trị liệu của bệnh viện đã góp phần tích cực phục hồi các rối loạn chức năng về thần kinh và vận động, các di chứng sau đột quỵ
Với vị thế là đơn vị sự nghiệp y tế đầu ngành về Y học cổ truyền của tỉnh, nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh về y học cổ truyền của người dân, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, bệnh viện đã và đang không ngừng đổi mới, phát triển.Và hiện nay, bệnh viện Y dược cổ truyền Tuyên Quang trở thành địa chỉ tin cậy của rất nhiều bệnh nhân tai biến mạch máu não.
* Bệnh viện Y dược cổ truyền Tuyên Quang - Nơi người bệnh gửi trọn niềm tin.
* Hotline: 0965.251.010
* SĐT liên hệ và tư vấn:
- BSCKI Bàn Thị Bích : 0984.678.142
- ThS.Nguyễn Thị Thu Hà : 979.809.489
* Địa chỉ Số 38, Đường Tuệ Tĩnh, Tân Hà, TP Tuyên Quang,Tỉnh Tuyên Quang